Phần hiện tại: model
Bài học Đức tin Iman nơi sự Tiền Định.
Ý nghĩa đức tin Iman nơi sự Tiền Định:
Đó là niềm tin kiên định rằng tất cả mọi điều xấu và tốt đều do sự định đoạt và an bài của Allah, Ngài muốn làm gì tùy ý Ngài, tất cả mọi thứ, mọi sự vât, mọi sự việc và mọi hiện tượng đều hình thành và diễn ra theo ý chỉ của Ngài, không có bất cứ điều gì nằm ngoài ý muốn của Ngài, và không có một thứ gì trong vũ trụ càn khôn này nằm ngoài sự an bài của Ngài, tất cả mọi thứ chỉ diễn ra và hình thành theo sự điều hành và chế ngự của Ngài. Nhưng song song với điều đó, Ngài lại ra lệnh cho các bầy tôi của Ngài cũng như nghiêm cấm họ và ban cho họ quyền tự do lựa chọn hành động của riêng mình chứ Ngài không cưỡng ép họ làm theo ý của Ngài, và kết quả hành động của họ sẽ xảy ra tùy theo khả năng và ý muốn của họ trong kiến thức của Ngài, và Allah đã tạo ra họ và tạo ra khả năng của họ, Ngài hướng dẫn ai Ngài muốn bởi lòng nhân từ của Ngài và Ngài làm lệch lạc ai Ngài muốn theo sự sáng suốt và anh minh của Ngài, không ai có quyền tra hỏi Ngài làm gì mà ngược lại tất cả tạo vật sẽ bị Ngài hạch hỏi và thẩm xét.
Khái niệm sự Tiền Định
Sự Tiền Định: Đó là sự định đoạt và an bài của Thượng Đế Allah cho mọi vạn vật trong nguyên sơ, và kiến thức của Ngài, Đấng Tối Cao biết rõ khi nào sẽ xảy ra vào thời điểm được định sẵn, và với những thuộc tính cụ thể, Ngài đã cho ghi tất cả những điều đó. và ý muốn của Ngài cho điều đó, sự tạo hóa của Ngài cho điều đó, và chúng xảy ra theo những gì mà Ngài đã an bài.
Đức tin Iman nơi sự Tiền Định của Allah, Đấng Tối Cao là một trong các trụ cột của đức tin Iman, như Thiên Sứ của Allah ﷺ đã trả lời khi được đại Thiên Thần Jibril [cầu xin bình an cho Người] hỏi về đức tin Iman: «Ngươi phải tin nơi Allah, nơi các Thiên Thần của Ngài, nơi các Kinh Sách của Ngài, nơi các vị Thiên Sứ của Ngài, nơi Ngày Sau và nơi sự Tiền Định tốt xấu» [Muslim, số: 8].
Đức tin nơi sự Tiền Định gồm những điều gì?
Đức tin Iman nơi sự Tiền Định gồm bốn điều:
1. Kiến thức
Tin rằng Thượng Đế Allah, Đấng Tối Cao biết và am tường hết mọi sự vật, sự việc, mọi hiện tượng một cách tổng quát và chi tiết, rằng Ngài biết tất cả mọi tạo vật của Ngài trước khi Ngài tạo ra họ, Ngài biết bổng lộc của họ, tuổi đời của họ, lời nói của họ, việc làm của họ, tất cả mọi cử động, mọi tĩnh lặng của họ, và mọi điều bí mật thầm kín cũng như mọi điều công khai của họ, và Ngài biết ai trong số họ là những người của Thiên Đàng và ai trong số họ là những người của Hỏa Ngục. Thượng Đế Allah, Đấng Tối Cao phán: (Ngài là Allah, Đấng mà ngoài Ngài không có một Thượng Đế nào khác, Ngài là Đấng biết điều vô hình và điều hữu hình) [Chương Al-Hashr, câu: 22].
2, Bản ghi chép
Đức tin rằng Ngài đã cho ghi tất cả mọi thứ trước khi Ngài tạo ra chúng trong Quyển Kinh Lưu Trữ Lawhul-Mahfuzh (hay còn gọi là Quyển Kinh Mẹ). Bằng chứng cho điều này là lời phán của Allah, Đấng Tối Cao: (Không một tai họa nào xảy ra trên trái đất hoặc nhằm vào bản thân các ngươi mà lại không được ghi chép trong Quyển Sổ Định Mệnh trước khi TA (Allah) thể hiện nó. Quả thật, điều đó rất đơn giản đối với Allah.) [Chương Al-Hadid, câu 22]. Và Thiên Sứ của Allah ﷺ nói: «Thượng Đế Allah đã ghi lại số phận các tạo vật năm mươi ngàn năm trước khi khởi tạo các tầng trời và trái đất». [Muslim, số: 2653]
3. Ý muốn
Đức tin rằng một khi Thượng Đế Allah muốn thì không một thứ gì có thể cưỡng lại, và quyền năng của Ngài không bất lực trước bất cứ điều gì. Bởi thế, tất cả mọi sự việc xảy ra đều nằm trong ý muốn của Allah, những gì Ngài muốn sẽ thành và những gì Ngài không muốn sẽ không thành. Thượng Đế Allah, Đấng Tối Cao phán: (Tuy nhiên, những gì các ngươi muốn sẽ không thành trừ phi Thượng Đế của vũ trụ và muôn loài muốn và chấp thuận.) [Chương Al-Takwir, câu 29].
4. Tạo hóa
Đức tin rằng Allah là Đấng duy nhất tạo hóa ra mọi thứ, tất cả mọi thứ khác Ngài đều là tạo vật của Ngài, và Ngài là Đấng Toàn Năng trên mọi thứ. Thượng Đế Allah, Đấng Tối Cao phán: (Và Ngài (Allah) đã tạo hóa tất cả mọi vạn vật và Ngài đã định đoạt mỗi vật theo đúng mức lượng của nó.) [Chương Al-Furqan, câu 2].
Con người có quyền tự do lựa chọn, có khả năng và ý muốn riêng của mình:
Đức tin nơi sự tiền định không mâu thuẫn với ý muốn của người bề tôi trong việc lựa chọn hành động của bản thân, và y có khả năng cho hành động đó. Bởi vì cả giáo luật và thực tế đã khẳng định điều này cho con người.
Còn về quy định giáo luật, quả thật, Allah, Đấng Tối Cao phán về ý muốn của người bề tôi: (Vì vậy, người nào muốn thì hãy chọn lấy một nơi trở về với Thượng Đế của y.) [Chương An-naba’, câu: 39]. Thượng Đế Allah, Đấng Tối Cao phán về khả năng của người bề tôi: (Allah không bắt một linh hồn nào gánh vác trách nhiệm quá khả năng của nó. Mỗi linh hồn sẽ hưởng được thành quả của điều tốt mà mình đã làm và sẽ phải gánh hậu quả về tội lỗi đã phạm.) [Chương Al-baqarah, câu: 286]. Và từ [الوسع] với ý nghĩa là khả năng.
Còn đối với bằng chứng thực tế thì quả thật mỗi một con người đều biết rằng y có ý muốn và khả năng, y có quyền lựa chọn làm hay không làm tùy ý muốn của y, y phân biệt được giữa những điều có thể xảy ra bởi ý muốn của y như đi bộ chẳng hạn và giữa những điều xảy ra không nằm trong ý muốn của y chẳng hạn như sự run hay sự rùng mình và sự té ngã một cách đột ngột; tuy nhiên, ý muốn và khả năng của người bề tôi chỉ được hình thành trong ý muốn và khả năng của Allah, như Ngài đã phán: (Đối với bất cứ ai trong các ngươi muốn đi trên con đường ngay thẳng. Tuy nhiên, những gì các ngươi muốn sẽ không thành trừ phi Thượng Đế của vũ trụ và muôn loài muốn và chấp thuận.) [Chương Al-Takwir, câu: 28-29]. Ngài đã khẳng định ý muốn của con người, rồi sau đó, Ngài xác nhận nó nằm trong ý muốn của Ngài, bởi vì tất cả vũ trụ càn khôn này đều nằm trong sự điều hành của Allah, Đấng Tối Cao. Do đó, không có bất cứ điều gì hay vật gì nằm trong sự kiểm soát và điều hành của Ngài lại không nằm trong kiến thức và ý muốn của Ngài.
Khả năng và quyền lựa chọn của con người là những điều chói buộc y phải chịu trách nhiệm với mệnh lệnh và sự cấm đoán, người làm tốt theo sự lựa chọn của y bởi con đường hướng dẫn sẽ được ban thưởng còn người làm việc xấu và tội lỗi theo sự lựa chọn của y bởi con đường lầm lạc sẽ phải bị trừng phạt. Và Thượng Đế Allah, Đấng Tối Cao không hề bắt chúng ta phải gánh vác những gì quá sức lực và khả năng của chúng ta, cũng như Ngài không chấp nhận một ai từ bỏ sự thờ phượng và phục tùng Ngài rồi đổ thừa cho sự tiền định để biện minh cho hành vi bất tuân của mình.
Hơn nữa, con người trước khi làm điều tội lỗi và trái lệnh Allah thì y không hề biết được kiến thức và sự tiền định của Ngài như thế nào? Vả lại, Thượng Đế Allah đã ban cho y khả năng và quyền tự do lựa chọn, đồng thời Ngài cũng đã trình bày rõ cho y những con đường tốt và xấu. Bởi thế, nếu y bất tuân Ngài thì đó là sự lựa chọn của y trong khi y được khuyến khích phục tùng Ngài, cho nên cuối cùng y bị trừng phạt là do sự lựa chọn của riêng bản thân y.
Trái quả của đức tin Iman nơi sự tiền định:
Đức tin Iman nơi sự Tiền Định mang lại trái quả rất lớn trong cuộc sống của con người, tiêu biểu:
1- Sự Tiền Định là động lực rất lớn để thúc đẩy sự nỗ lực và phấn đấu trong việc tìm kiếm sự hài lòng của Thượng Đế Allah ở cõi trần gian.
Người có đức tin được lệnh phải tìm lấy các nguyên nhân đồng thời phải phó thác cho Thượng Đế Allah, Đấng Tối Cao, tuy nhiên, y phải tin rằng các nguyên nhân không mang lại kết quả trừ phi có sự cho phép của Allah vì Ngài là Đấng đã tạo hóa các nguyên nhân và cũng là Đấng đã tạo ra các kết quả. Thiên Sứ ﷺ nói: «Hãy nỗ lực trên những điều mang lại điều hữu ích cho ngươi, và hãy cầu xin Allah giúp đỡ, chớ đừng yếu đuối, và nếu có một điều gì không mong muốn xảy đến cho ngươi thì ngươi chớ đừng nói ‘Phải chi tôi làm thế này thì sự việc đã thế này’ mà hãy nói: ‘Allah đã an bài và Ngài muốn làm gì tùy ý Ngài’ bởi vì từ ‘phải chi, giá như’ sẽ mở cửa cho hành vi của Shaytan». [Muslim, số: 2664]. Nhưng một số người nghĩ rằng không cần phải tìm kiếm nguyên nhân vì mọi chuyện đã được sắp đặt từ trước, Thiên Sứ ﷺ đã giải thích rằng điều đó là sai và Người nói: «Các người hãy phấn đấu, vì mọi người đều được tạo điều kiện cho những gì đã được tạo ra cho y». Sau đó Người đọc: «(Vì vậy, đối với ai cho (của cải, tài sản vào con đường của Allah) và kính sợ (Ngài). Và luôn tin vào điều thiện tốt.) [Chương Al-Lail, câu: 6], cho đến câu: (TA sẽ khiến y luôn được thuận lợi để đến với sự gian khổ.) [Chương Al-Lail, câu: 10].» [Al-Bukhari, số: 4949, và Muslim, số: 2647].
2- Rằng con người sẽ ý thức được khả năng của bản thân.
Một người sẽ không tự cao tự đại cũng như không dám bội ơn vì y yếu đuối và bất lực trước những gì đã được an bài. Và lúc bấy giờ con người sẽ khẳng định mình yếu kém và luôn cần đến Thượng Đế Tối Cao của y. Khi con người gặp phải điều tốt lành thì y thường bội ơn, còn khi gặp phải chuyện không may thì hoảng sợ và đau buồn ngoại trừ những người có đức tin nơi sự Tiền Định, bởi vì họ biết rõ rằng mọi điều xảy ra đều là do sự sắp đặt của Allah, kiến thức của Ngài luôn đi trước tất cả mọi sự việc.
3- Nó giúp loại bỏ lòng ganh tị và đố kỵ.
Do đó, người có đức tin không ganh tị với mọi người về những điều tốt lành và ân phúc mà Allah đã ban cho họ vì y biết rằng chính Allah là Đấng đã ban bổng lộc và định đoạt cho họ và y cũng biết rằng nếu y ganh tị với người khác thì thật ra y đang chống đối sự an bài và định đoạt của Allah.
4- Đức tin Iman nơi sự Tiền Định làm cho con tim trở nên can đảm và gan dạ khi đối mặt với hoạn nạn và hiểm nguy.
Giúp tinh thần luôn cương nghị bởi vì con tim luôn kiên định rằng tính mạng, bổng lộc đều đã được an bài và định sẵn và tất cả mọi con người sẽ không gặp phải một điều gì trừ phi đó là sự tiền định đã được định sẵn cho y.
5- Đức tin nơi sự tiền định gieo trong tâm hồn của người có đức tin nhiều chân lý của đức tin Iman.
Y sẽ luôn cầu xin sự phù hộ của Thượng Đế Allah, luôn phó thác cho Ngài đồng thời tìm các nguyên nhân, và y luôn tìm đến Thượng Đế của y và mong mỏi sự giúp đỡ và che chở.
6- Đức tin nơi sự tiền định làm cho tâm hôn và tinh thần thanh thản và an bình.
Bởi vì người có đức tin biết rằng những gì được an bài xảy đến với y là không thể tránh khỏi còn những gì không được an bài cho y thì không xảy đến với y.